Cười hở lợi là một khuyết điểm nhỏ trên hàm răng của bạn nhưng nó không những gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm bạn mất tự tin khi giao tiếp và cười gượng gạo không thoải mái mà theo kinh nghiệm dân gian, cười hở lợi là một khuyết điểm lớn về mặt nhân tướng học gây cản trở công danh sự nghiệp và đường tình duyên của bạn.
Cười hở lợi là gì?
Cười hở lợi là một phần lớn lợi bị lộ ra cùng với răng khi cười làm nụ cười của bạn không đẹp và không thẩm mỹ, mang đến cho bạn một nụ cười kém duyên. Cười hở lợi được chia ra 3 nguyên nhân chính sau: Nguyên nhân thứ nhất và phổ biến là thân răng lâm sàng ngắn do mọc răng thụ động không hoàn toàn, răng mọc không hết làm cho lợi còn trùm lên thân răng khiến răng trở nên thô, vuông, ngắn và khi cười gây hở lợi. Nguyên nhân thứ 2 là do xương hàm trên phát triển quá mức làm xương hàm lộ lợi và gây cười hở lợi. Thứ 3, sự tác động quá mức của lực cơ môi cũng là nguyên nhân dẫn đến cười hở lợi. Chúng ta có thể gặp một người có một hoặc kết hợp hai hoặc ba nguyên nhân trên.

Thế nào được gọi là cười hở lợi?
Một nụ cười đẹp là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như hình thể và màu sắc của răng, ngoài ra hình thể và độ dày của môi, mức độ hở của lợi… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ của nụ cười. Nếu không tính đến các yếu tố liên quan đến răng, một nụ cười được coi là chuẩn khi mức độ hở của lợi dưới 1mm. Giống như các bệnh lý thông thường khác, cười hở lợi cũng được chia ra thành nhiều mức độ khác nhau, thông thường bao gồm 4 mức độ như sau:
- Cười hở lợi nhẹ: Là tình trạng khi cười mô lợi (nướu) lộ ra nhiều hơn 3mm và ít hơn 25% so với chiều dài thân răng.
- Cười hở lợi trung bình: Là tình trạng khi cười mô lợi lộ từ 3 đến 6mm nhiều hơn 25% và ít hơn 60% chiều dài thân răng.
- Cười hở lợi nặng: Là tình trạng khi cười mô lợi lộ từ 7 đến 10mm nhiều hơn 60% và ít hơn 100% chiều dài thân răng.
- Cười hở lợi rất nặng: Là tình trạng khi cười mô lợi lớn hơn 10mm nhiều hơn chiều dài thân răng.
Tùy vào mức độ cười hở lợi và nguyên nhân gây cười hở lợi của bạn, bác sĩ sẽ lựa chọn những phương pháp chữa cười hở lợi khác nhau.
- Nếu nguyên nhân là thân răng lâm sàng ngắn do mọc răng thụ động không hoàn toàn thì chỉ cần phẫu thuật cắt đường viền lợi nhanh chóng trong một lần hẹn và không phải can thiệp gì thêm. – Nếu do xương hàm trên phát triển quá mức thì cần đánh giá tương quan răng so với xương hàm dưới và đưa ra phương án phù hợp. Trong trường hợp không có cắn sâu thì chỉ cần điều chỉnh xương hàm trên bằng phương pháp cắt gọt xương. Nếu có cắn sâu thì niềng răng dùng lực để đánh lún răng có lẽ là phương pháp phù hợp nhất, vừa khắc phục cười hở lợi, đồng thời khớp cắn cũng sẽ được điều chỉnh, các răng sẽ được sắp xếp đều đẹp hơn.
- Nếu nguyên nhân là do sự tác động quá mức của lực cơ môi và cơ cười thì sẽ tiến hành điều trị bằng phương pháp tiêm thuốc làm giảm sự tác động của cơ hoặc phẫu thuật cắt nhánh cơ.
- Trong trường hợp kết hợp cả 3 nguyên nhân thì cần phải giải quyết kết hợp các giải pháp với nhau, tuy nhiên trong thực tế khá hiếm gặptình huống này.
